Tại sao chọn đồng hồ Garmin | Lời khuyên tập thể thao cho người bệnh cường giáp
Tác giả: Giang Yến Khánh
“Nếu không nhờ thói quen tập thể thao liên tục trong nhiều năm và sử dụng đồng hồ thông minh thể thao, có lẽ tôi đã không thể kịp thời phát hiện sự thay đổi bất thường của nhịp tim, từ đó phát hiện sớm vấn đề cường giáp. Vì vậy, cho dù mục tiêu cuộc sống của bạn là gì, nếu bạn quan tâm đến sức khỏe của mình thì duy trì việc tập thể thao chắc chắn rất quan trọng, nó sẽ khiến những cảm nhận về cơ thể của chúng ta nhạy bén và chính xác hơn.”
Vào một buổi sáng đầu mùa hè năm 2020, tác giả ra ngoài chạy bộ như thường lệ. Kế hoạch ban đầu là chạy tốc độ (Tempo Run) đường núi 10 km. Thời tiết oi và ẩm ướt khiến tôi đổ mồ hôi đẫm lưng mà không thể cảm thấy sự bất thường của lượng mồ hôi tiết ra ngày hôm nay. Tôi thở gấp và chóng mặt, tôi chỉ chạy được 3 km và không thể tiếp tục đi được nữa, tốc độ chậm kinh khủng, cuối cùng, như một chiến binh bại trận, tôi quay lại và từ từ quay trở lại điểm xuất phát. Kể từ hôm đó, tình trạng bệnh của tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cho đến khi tôi đeo chiếc đồng hồ thông minh thể thao Garmin fēnix 6 vào, sau khi phát hiện nhịp tim lúc nghỉ ngơi cao gấp đôi so với trạng thái bình thường, tôi quyết định đến một bệnh viện lớn để khám. Sau hơn một tháng khám và kiểm tra đã tìm ra nguyên nhân thực sự, hóa ra đó chính là căn bệnh cường giáp “tiếng tăm lừng lẫy” – “bệnh Graves” (hay còn gọi là bệnh Basedow-Bệnh bướu độc lan tỏa).
Bệnh Graves là triệu chứng gây ra cường giáp thường gặp nhất. Đây là một loại bệnh miễn dịch tự thân, các kháng thể trong máu sẽ kích thích tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone, dẫn đến một loạt các phản ứng sinh lý có thể xảy ra, bao gồm nóng ran người, hồi hộp, nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều, tăng cảm giác thèm ăn nhưng sụt cân, tiêu chảy, mất ngủ, mất cân bằng điện giải (kali trong máu thấp), bướu cổ, mắt lồi, run tay… Mặc dù bệnh cường giáp có liên quan đến gen bẩm sinh nhưng hầu hết các bệnh lý gây ra bệnh cường giáp đa phần là do áp lực tâm lý (cũng có trường hợp đặc biệt, vận động viên luyện tập quá sức cũng có thể gây ra bệnh cường giáp). Thông thường, xác suất bị cường giáp ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Khi mọi người đến tuổi đi học, bắt đầu chịu áp lực đối diện với những mối quan hệ xã hội thì rủi ro mắc bệnh Graves sẽ gia tăng. Vì vậy, cũng không quá lời khi nói rằng đó là một bệnh mang tính xã hội.
Quay trở lại câu chuyện của chính tác giả. Các triệu chứng chính của tôi là bệnh về chức năng tim và mất ngủ, nhịp tim cao và rối loạn nhịp tim gây ra phì đại tâm thất phải và kèm theo hiện tượng suy tim (co bóp không hoàn thiện), ngoài ra còn gây ra vấn đề và tăng áp động mạch phổi mức độ trung bình, khiến tôi rất dễ bị hen suyễn và chuyển hóa cơ bản của tôi tăng vọt. Trong thời gian kỳ bị cường giáp, lúc tôi gầy nhất đã sụt 6kg, đây có lẽ là lần nhẹ cân nhất kể từ khi tôi tốt nghiệp cấp 3 đến nay.
Tại thời điểm này, một số độc giả có thể nghĩ rằng chạy đường dài (long run) không phải nhẹ hơn một chút sao? Nhẹ hơn một chút mới có thể chạy nhanh hơn chứ! Sự thực không hoàn toàn như vậy. Cách giảm cân do tăng cường vận động là giảm lượng mỡ trong cơ thể hoặc thậm chí tăng một chút cơ. Nhưng giảm cân do bệnh tật thường làm tiêu hao cơ bắp nên trong nhiều tháng, tôi hầu như không thể chạy bộ liên tục quá 4 km. Sau một năm điều dưỡng, thử thách và rèn luyện, vào cuối tháng 3 năm 2021, tác giả đã trở lại trường đua tại giải ba môn phối hợp chạy việt dã Đài Loan XTERRA và chính thức trở lại sân vận động với tư cách Á uân. Câu chuyện phía sau đó, thực ra tác giả đã trải qua nhiều sai lầm, thất bại và học hỏi, bài viết này hy vọng sẽ mang đến cho những độc giả cũng đang mắc bệnh cường giáp một số bí quyết khi luyện tập thể thao, cũng chân thành mong mọi người ngoài việc tập trung vào luyện tập cần phải lắng nghe tiếng nói từ bên trong cơ thể, để cơ thể và tâm hồn chúng ta không bị sinh bệnh.
1. Theo dõi nhịp tim, chú trọng cảm nhận trạng thái cơ thể
Nhịp tim cao do cường giáp và nhịp tim cao do mệt mỏi sau khi luyện tập nói chung bắt nguồn từ các cơ chế khác nhau. Cường giáp là do hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều dẫn tới nhịp tim cao, nếu không dựa vào thuốc để kiểm soát thì không có cách nào hồi phục lại bình thường trong thời gian ngắn. Còn nhịp tim cao trong thời gian ngắn sau khi tập luyện sức bền xảy ra hầu hết đều xuất phát từ tình trạng thiếu oxy, thông qua chiến lược hồi phục hợp lý thì sẽ nhanh chóng được cải thiện rõ rệt. Khi tác giả mắc bệnh, nhịp tim lúc nghỉ ngơi khoảng 78 ~ 85bpm, cao hơn gần 50% so với mức 42 ~ 46bpm khi cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh. Nhịp tim cao như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tập luyện. Biểu hiện rõ nhất là “thở hổn hển”, hơn nữa nó còn một kiểu thở không ra hơi, nghẹt thở.
Nhịp tim cao liên tục do cường giáp gây ra sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho tim, dù có vận động liên tục hay không thì chúng ta cũng nên hình thành thói quen theo dõi nhịp tim và quan sát diễn biến nhịp tim khi nghỉ ngơi trung bình mỗi ngày trong tuần để nắm rõ trạng thái thể chất đồng thời tìm hiểu sâu thêm, bình tĩnh cảm nhận các phản ứng của cơ thể khi tập thể dục. Điều này sẽ giúp chúng ta tìm ra phương thức vận động và điều chỉnh phù hợp khi bị cường giáp.
2. Nâng cao tỉ trọng của việc luyện tập cơ bắp
Cường giáp làm cho quá trình trao đổi chất của chúng ta diễn ra mạnh mẽ bất thường, do đó làm tăng tốc độ trao đổi chất cơ bản và làm tăng tốc độ mất khối lượng cơ. Nếu chúng ta vẫn hy vọng trở lại sân thể thao một cách khỏe mạnh sau khi hồi phục thì chắc chắn cần phải tiếp tục tập luyện cơ bắp để duy trì khối lượng cơ bắp, đồng thời bổ sung vitamin nhóm B và protein chất lượng cao để giúp tổng hợp cơ bắp và đáp ứng nhu cầu chuyển hóa năng lượng. Tôi khuyến nghị tần suất tập luyện sức mạnh cơ bắp 2 ~ 3 lần/tuần, không nên tập tạ nặng với độ rủi ro cao. Dùng tạ chuông và tạ tay để luyện tập trọng lượng tự do cũng là cách tốt, không cần quá quan tâm tới thời gian nghỉ ngơi giữa các set, đảm bảo chất lượng vận động và phục hồi mới là trọng điểm.
3. Chú ý bổ sung chất điện giải
Bệnh Graves có thể khiến ion trong máu thấp và mất cân bằng điện giải, thêm nữa, người mắc bệnh cường giáp sẽ rất mẫn cảm với môi trường nóng, lượng mồ hôi bài tiết gia tăng sẽ dễ gây chuột rút. Dựa vào kinh nghiệm của bản thân tác giả, trước khi vận động nên bổ sung chất điện giải, trong quá trình vận động tăng khả năng hấp thụ chất điện giải (cũng tính đến áp suất thẩm thấu), thực ra không giúp ích nhiều trong việc ngăn ngừa chuột rút, nếu trời nóng nực, trạng thái cơ thể không tốt, vận động cường độ cao, thời gian dài rất dễ bị chuột rút. Nếu bạn có những biểu hiện trên, hãy thông báo cho bác sĩ khi bạn đi khám lại, và kiểm tra nồng độ kali trong máu thì bạn sẽ biết câu trả lời rõ ràng hơn. Trong mọi trường hợp, trong tình trạng ra nhiều mồ hôi vốn dĩ rất dễ bị mất chất điện giải nên việc bổ sung điện giải cần đặc biệt lưu ý.
4. Bỏ qua cạnh tranh, tận hưởng vận động
Cường giáp xuất hiện là “hậu quả”, còn “nguyên nhân” thường là do căng thẳng về cảm xúc. Nếu lúc này tập thể dục trở thành áp lực bên ngoài thì không phải sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tình sao?
Trong thời gian bị cường giáp, thiên nhiên đã cùng tôi vượt qua giai đoạn suy sụp quan trọng nhất. Vì khi lên núi, tôi có thể trút bỏ nỗi ám ảnh về việc phải “chạy” và đơn giản là tận hưởng cảm giác bình yên khi đi dạo giữa núi rừng, cùng sự tĩnh lặng khi ở một mình. Tôi nhận thấy khi chạy trail, tôi có thể đi xa hơn cả con đường và sân vận động. Cùng một thời điểm, tôi hầu như không thể chạy quá 4 km trong sân vận động nhưng tôi có thể hoàn thành chuyến khám phá 10 km trên núi. Điều này đã mang lại sự nhẹ nhõm và nâng đỡ rất lớn trong tâm hồn tôi. Tận hưởng vận động là hướng dẫn vận động quan trọng nhất trong giai đoạn cường giáp.
5. Thiền
Bốn mùa thay đổi, sang đến mùa đông, triệu chứng cường giáp của tác giả cũng thuyên giảm đi rất nhiều. Dù có gặp phải khó khăn gì trong mấy tháng qua, tôi vẫn nhất quyết vượt qua, tôi quyết định đăng ký tham gia giải chạy Marathon Đài Bắc và tổng kết lại trạng thái của mình trong năm nay: Không cần biết kết quả tốt hay xấu, nó đều rất có ý nghĩa với tôi.
Trước ngày thi đấu diễn ra, tôi lại mất ngủ.
Trong thời gian mắc bệnh cường giáp, mất ngủ là chuyện thường xảy ra, nguyên nhân chủ yếu có mối liên quan đến sự dao động lên xuống của cảm xúc. Ấn tượng sâu sắc nhất là có một lần trước khi ngủ không biết vì sao thấy có gì có vẻ không bình thường, tôi lại xem lại bộ phim hoạt hình lúc nhỏ “Mộ đom đóm”, lần này thì khủng khiếp lắm, đêm đó tôi lật người liên tục đến khoảng 3 giờ sáng mới ngủ được.
Đã nhiều lần bị mất ngủ, lần này tôi đã chuẩn bị một chút, đeo tai nghe và chuyển sang kênh yêu thích “Medi Journey” để bắt đầu hành trình “thiền có hướng dẫn” của mình. Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận rằng thiền có thể giúp thúc đẩy tích cực giấc ngủ sâu và hỗ trợ tốt cho phục hồi. Có rất nhiều kiểu thiền, những người mới bắt đầu hoặc những người như tôi, những người dễ suy nghĩ linh tinh thì thích hợp với kiểu thiền có hướng dẫn và làm theo lời của thầy hướng dẫn để đưa họ vào trạng thái thư giãn. Tôi đã ngủ thiếp đi trong tình trạng vô thức. Mặc dù thời gian ngủ liên tục không dài, nhưng vì giấc ngủ sâu nên trạng thái tinh thần khi thức dậy vào buổi sáng cũng không tệ, sau khi sửa soạn xong dụng cụ thi đấu và cầu nguyện, tôi đứng dậy lên đường đến thành phố Đài Bắc. Cuối cùng, tác giả đã hoàn thành cuộc đua với thành tích 3 giờ 11 phút, so với cuộc đua marathon bi thảm nhất trong đời khi chạy marathon mất 5 giờ ở núi A Lý Sơn cách đây một tháng thì được coi là một kết quả rất mỹ mãn. Và cũng tuyên bố với bản thân đã từ từ thoát ra khỏi màn sương mù của bệnh cường giáp.
6. Tuân thủ uống thuốc, tái khám đúng lịch
Nói đến kinh nghiệm dùng thuốc của tác giả thì cũng có nhiều thay đổi khá bất ngờ. Lúc đầu khi chưa tìm ra nguyên nhân, tôi đi khám khoa tim mạch. Cũng vì lúc đó có vấn đề về huyết áp cao và lan rộng sang tim mạch nên bác sĩ kê đơn thuốc tương ứng cho tôi, và kết quả có chút bi thảm. Một buổi sáng tôi phải đưa người lên núi để quay video, trước khi bắt đầu tôi có uống một viên thuốc huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, nhưng lần đó tôi xuýt nữa không xuống núi được, tôi thấy chóng mặt và trời đầy những vầng sáng chói. Tôi ngừng thuốc điều trị huyết áp và tim mạch sau khi phát hiện ra nguyên nhân là do cường giáp, nhưng đó cũng là việc xảy ra vài tháng sau đó rồi. Sau vụ việc đó, tôi có chút ám ảnh về tác dụng phụ của thuốc tây, điều này cũng khiến tôi chống lại việc uống thuốc tây từ tận đáy lòng mình. Sau đó, tôi cũng thích thì dùng hoặc không dùng thuốc cường giáp. Tôi còn tự mình làm thí nghiệm để thấy sự khác biệt giữa việc dùng thuốc và không dùng thuốc khi tập luyện bình thường. Kết quả là khi tôi không ngoan ngoãn uống thuốc, cơ thể tôi sẽ không ổn định, nhịp tim tăng cao và dễ bị chuột rút (mất cân bằng điện giải). Sau một thời gian thử trải nghiệm, tôi quyết định hợp tác tốt với bác sĩ để uống thuốc. Trên thực tế, hầu hết các tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh Graves đều là những trường hợp dị ứng và ngứa da, một số ít trường hợp có thể gây ra lượng bạch cầu thấp và ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Tóm lại, bất kỳ trường hợp nào đều phải trao đổi với bác sĩ phương án giải quyết.
Bài viết đến đây là kết thúc, cũng đã một năm rưỡi kể từ ngày phát bệnh. Hiện tại các chỉ số liên quan đến cường giáp của tác giả khá ổn định, cũng luyện tập hồi phục được một thời gian rồi. Có thể thở bình thường và thở nhẹ nhàng thực sự là một điều rất hạnh phúc. Tôi cũng từng suy nghĩ, nếu không phải vì thói quen vận động không ngừng nghỉ trong nhiều năm, sử dụng đồng hồ thể thao thông minh, tôi có thể không phát hiện được sự thay đổi nhịp tim theo thời gian, để phát hiện sớm vấn đề cường giáp. Vì vậy, cho dù mục tiêu cuộc sống của bạn là gì, nếu bạn quan tâm đến sức khỏe của mình, nhất định phải duy trì việc tập thể dục, nó sẽ khiến những cảm nhận về cơ thể của chúng ta nhạy bén và chính xác hơn. Vậy khi bị cường giáp (bệnh Grave) có nhất thiết phải tập thể dục không? Quan điểm cá nhân của tác giả là nếu bạn mắc bệnh không vận động sẽ dễ cáu kỉnh muộn phiền như tôi thì hãy tập thể dục hợp lý, có theo dõi, ghi chép và điều độ sẽ có ý nghĩa tích cực đối với bệnh tình trong thời gian dài. Nhưng tôi phải nói điều này, theo kinh nghiệm của tôi, rất khó để phục hồi bằng cách tập thể dục mà không dùng thuốc. Thượng đế đã ban cho chúng ta một cơ thể với khả năng phục hồi siêu mạnh, cũng thiết kế “điểm tới hạn” giữa đạt và không đạt cho nhiều chỉ số trong cơ thể. Khi chúng ta có giấc ngủ tốt, tập thể dục và ăn uống lành mạnh, điểm số sức khỏe sẽ càng ngày càng cao, nhưng nếu tiêu xài tùy tiện, điểm sẽ mất đi một cách “lặng lẽ”, cho đến khi xuống dưới cả điểm tới hạn và chuyển sang phạm trù “bệnh tật”, khi đó sẽ phải mất công sức đáng kể để trở về điểm tới hạn bình thường, thậm chí có những lúc không thể đảo ngược. Với tư cách là vận động viên và huấn luyện viên, chúng tôi khuyến khích mọi người hãy chuẩn bị thật tốt và dũng cảm chấp nhận rủi ro nhưng hãy học cách cảm nhận, lắng nghe tiếng nói và phản hồi của tâm trí và cơ thể của bạn mọi lúc. Đây là bài học bắt buộc cả cuộc đời này của mỗi chúng ta.